September 1, 2012

Chợt lạnh...

      Tôi bước lang thang trên đường phố Sài Gòn… Cũng như bao buổi sáng chủ nhật khác, cũng vẫn cái khung cảnh hối hả, ồn ào, chen lấn nhau của người Sài thành, cũng cái không khí âm u chợt nắng, chợt mưa đặt trưng của vùng Tây Nam bộ khi vào mùa, nhưng… sao hôm nay có điều gì đó hơi khác thì phải? Tôi chợt nhận ra đó là cái cảm giác lạnh lạnh báo hại tôi cứ vừa đi vừa run từ sáng tới giờ. Chà, sao mau thế nhỉ! Thế là lại vào đông rồi, thời gian đúng là trôi nhanh thật, đến khi giật mình mới biết chỉ có một mình ta là chằng có chút gì thay đổi ngoài tuổi tác cả. 
      Tôi còn nhớ lúc bé khi tôi còn ở quê, cứ vào những ngày này má thường bắt chị em tôi phải mặc thêm áo khoác trước mỗi buổi sáng đi học, nhưng mà tôi có chịu nghe đâu… chỉ bởi thằng con cứng đầu này lại thích cái cảm giác run run lạnh lạnh mà thôi, cứ khi có cơn gió nhẹ chợt lướt qua cơ thể làm cho cái lạnh cứ thấm vào da thịt thì tôi lại thích, và bởi thế tôi lại thường bị mắng rồi cứ mang cái bản mặt rầu rầu đó đến trường. Có lẽ lúc đó tôi quá bé để hiểu được ba má tôi thương chị em tôi đến mức nào, những khi đó tôi đâu nào biết được để lo cho chị em tôi được đến trường ba mẹ tôi đã phải nai lưng ra gánh tất cả mọi cái nắng, gió, mưa, lạnh… những thứ mà má tôi thường ví von là đặt ân của ông trời dành cho con người. Nhà tôi cũng đông người lắm chứ, ngoài ba má ra, tôi còn có chị Hai và hai đứa em gái nữa. Tuy đông con nhưng ba má tôi không bao giờ cho phép chị em tôi nói đến hai từ “chán học”, bởi ba má cũng biết chỉ có học mới có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái sau này. Ba tôi thường nói thế này: “ Tao với má mày không học hành gì nhiều nên mới làm ruộng thế này, muốn sau này ngồi mát thì ráng mà lo học”, hay “thà chịu khổ thêm chút chứ không để cho bốn chị em tụi mày phải nghĩ học”… những lúc đó tôi dường như thấy lòng mình quặng thắt. Có lẽ mọi người ai cũng nghĩ con trai thường vô tư, thiếu cảm xúc, nhưng tôi không nghĩ vậy. Đối với tôi gia đình là tất cả, tôi thương ba má lắm, duy chỉ có điều là tôi thường không thể hiện ra bẳng lời nói mà thôi. Nhớ những ngày học đại học, gia đình luôn là động lực để tôi tiếp tục vượt qua những khó khăn trước mắt ở nơi đất khách quê người. Tôi rất tiết kiệm, bạn bè tôi cũng luôn thắc mắc hỏi vì sao tôi luôn phải ăn mì gói dù trong túi tôi vẫn còn đủ tiền ăn cơm. Những lúc đó tôi cười, ăn ngày này để lo ngày sau mà. Tôi biết dù tôi có ăn mì đi nữa, nhưng cũng không thể sánh được những cơ cực của ba má tôi phải ăn cơm trắng với nước canh lá giang (thứ nước canh của một loại lá thấy nhiều ở miền trung mà tôi được biết là chẳng có chút gì dinh dưỡng, thứ canh này tôi cũng đã từng trợn mắt mà ráng nuốt khi tôi có dịp làm chung với ba mẹ lúc ở quê) để no bụng mà tiếp tục công việc. Ba mẹ tôi luôn là vậy đó, luôn làm tất cả vì con cái mà chẳng mảy may quan tâm đến mình chút nào cả. 
      Đường phố bây giờ bắt đầu lấm tấm những hạt mưa li ti, dòng người hối hả chạy đi chạy lại, vài chiếc xe máy dừng lại để khoát lên mình cái áo đi mưa để có thể tiếp tục cuộc hành trình, đâu có vài cụ già đi tập thể dục sáng tìm nơi trú mưa. Trời bắt đầu lạnh hơn đôi chút, những cơn gió nhẹ hiu hiu hòa chung với những giọt mưa thấm trên áo làm se se cái cảm giác lạnh trên da thịt. Tôi ngước mặt nhìn lên trời, những giọt mưa vô tình rơi trên mặt, rơi trúng vào mắt làm cho đôi mắt cay cay, đo đỏ, che lấp đi những cảm xúc thật đã chợt hiện về. Vội bước lên vỉa hè, tôi đứng trú mưa dưới ban công của một tiệm sửa xe máy vẫn còn chưa mở cửa. Tôi lấy điện thoại ra bấm một số điện thoại quen thuộc. 
      “ Má hả? Con Quốc nè, sáng nay ba má có đi rẫy không?” 
    “ Ờ, sáng nay lạnh nên ba má chưa đi vội. Trời trong đó chắc cũng đang lạnh ha con? Nhớ ăn uống cho đàng hoàng đó, mặc áo ấm vào mày là ỷ y nhất đó”…
 
;